Bộ trưởng Bộ Nguyễn Chí Dũng vừa có cuộc làm việc với các bộ ngành, địa phương về phương án đầu tư xây dựng hai tuyến đường bộ cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc CT.08, đoạn Nam Định – Thái Bình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị |
Đây là các tuyến cao tốc có ý nghĩa quan trọng trong kết nối giao thông và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cũng như toàn vùng.
Trong đó, tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) góp phần từng bước hoàn thiện đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, không chỉ phục vụ cho sự phát triển của Bình Phước và Đắk Nông, mà còn cho cả vùng Tây Nguyên, đồng thời kết nối Đông Nam Bộ.
Còn cao tốc CT.08, đoạn Nam Định – Thái Bình, cùng với tuyến cao tốc phía Đông khi hoàn thành sẽ kết nối Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến Hải Phòng, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc Bộ.
Với tầm quan trọng như vậy, sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm 12/3, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất sớm đầu tư hai tuyến cao tốc này theo phương thức đối tác công – tư, phần tham gia của Nhà nước sẽ được lấy từ nguồn tăng thu năm 2022.
Việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì họp với các bộ ngành, địa phương là nhằm nghiên cứu, đưa ra được phương án khả thi, hiệu quả nhất, phù hợp với khả năng cân đối vốn từ nay đến năm 2025.
Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành: Nhà đầu tư cam kết “dốc” 16.000 tỷ đồng
Theo phương án mới được bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước báo cáo, Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành dự kiến được đầu tư làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I sẽ xây dựng 4 làn đường đầy đủ (bao gồm 4 làn cao tốc và 2 làn dừng xe khẩn cấp). Giai đoạn II, sẽ đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch đạt 6 làn xe đầy đủ.
Với phương án này, Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 29.986 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 4.640 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 18.981 tỷ đồng, ngoài ra là các chi phí khác, bao gồm cả 1.130 tỷ đồng chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.
Như vậy, so với phương án được báo cáo Thường trực Chính phủ hôm 12/3, tổng mức đầu tư dự án đã tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn được xác định là vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 9.900 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư thu xếp khoảng 20.086 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 67%.
Trong phần tham gia của Nhà nước, ngoài phần Bình Phước (3.000 tỷ đồng) và Đắk Nông (1.000 tỷ đồng) tự thu xếp bằng ngân sách địa phương, thì các tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 5.900 tỷ đồng.
Theo bà Hiền, tổng mức đầu tư tăng như vậy là do phương án trước đây, Dự án dự kiến xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, còn hiện tại, là quy mô 4 làn xe đầy đủ, theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, nếu giữ nguyên phần tham gia của Nhà nước, thì vốn nhà đầu tư – liên danh Techcombank – Vingroup, sẽ tăng lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, liên danh nhà đầu tư chỉ có thể tham gia với 16.000 tỷ đồng, như cam kết ban đầu.
Liên quan đến dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thống nhất với đề xuất của hai tỉnh Bình Phước và Đăk Nông về phần vốn tham gia của địa phương, đồng thời thấu hiểu khó khăn của nhà đầu tư, nên cũng đồng ý phương án phần tham gia của nhà đầu tư giữ nguyên là 16.000 tỷ đồng như phương án ban đầu.
“Phần vốn đội lên do điều chỉnh phương án đầu tư từ 4 làn xe hạn chế lên 4 làn xe hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để tìm nguồn hỗ trợ thích hợp cho Dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định quyết tâm đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị hai tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải rà soát lại tổng mức đầu tư dự án, bởi hiện tại, theo quan điểm của Bộ Giao thông – Vận tải, suất đầu tư của Dự án hơi cao.
[tinmoi]“Bớt được đồng nào thì sẽ bớt được áp lực đến phần tham gia của Nhà nước chừng ấy”, Bộ trưởng nói.
Cao tốc CT.08, đoạn Nam Định – Thái Bình: Geleximco là nhà đầu tư, góp vốn 9.500 tỷ đồng
Với quy mô 60,9km, dự kiến đầu tư 4 làn hoàn chỉnh, Dự án cao tốc CT.08, đoạn qua Nam Định – Thái Bình dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 18.081 tỷ đồng, nếu tính cả lãi vay là 18.823 tỷ đồng.
Trong đó, riêng chi phí giải phóng mặt bằng là 3.105 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị là 12.739 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị |
“Theo phương án được trình Chính phủ từ hôm 12/3, tổng mức đầu tư đã giảm 2.800 tỷ đồng, chi phí đầu tư/km đường, cầu đều thấp hơn so với định mức chung”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết.
Theo ông Thận, một trong những lý do cơ bản khiến tổng mức đầu tư của Dự án giảm được 2.800 tỷ đồng là do nhà đầu tư – Tập đoàn Geleximco, sau khi rà soát, tham chiếu các công trình đường cao tốc được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT đã được phê duyệt, đã quyết định giảm mức lợi nhuận đầu tư từ mức 13,37% xuống còn 11,77%.
Trên cơ sở tổng mức đầu tư mới, cơ cấu vốn của Dự án được xác định là nhà đầu tư sẽ chi 9.511 tỷ đồng, ngân sách nhà nước là 9.312 tỷ đồng, tương đương 49,5% tổng mức đầu tư.
Ngoài phần vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, hai tỉnh Thái Bình và Nam Định cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để triển khai theo tiến độ được duyệt.
“Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 8.000 tỷ đồng để thực hiện dự án”, ông Nguyễn Khắc Thận nói.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, trong đề xuất trước đây đã cam kết lo hơn 3.000 tỷ đồng, giờ vẫn giữ như vậy. Phần còn lại, ngân sách Trung ương sẽ thu xếp hỗ trợ.
“Nhà đầu tư đã cam kết, thì phải thực hiện lời hứa”, Bộ trưởng đã nói như vậy với ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco.
Ở chiều ngược lại, ông Tiền cũng đã thể hiện sự quyết tâm theo đuổi, đầu tư dự án này. Ông Tiền cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, đầu tư dự án này sẽ có hiệu quả, tác động tích cực tới kinh tế – xã hội của địa phương và toàn vùng.
Đánh giá cao tinh thần quyết tâm của các địa phương cũng như của các nhà đầu tư trong triển khai xây dựng hai dự án này, Bộ trưởng đề nghị các bên sớm rà soát, hoàn thiện phương án đầu tư, đồng thời sẵn sàng các điều kiện cần thiết, bao gồm cả giải phóng mặt bằng để có thể sớm đầu tư, xây dựng hai dự án.
Theo kế hoạch, thứ Năm, ngày 30/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ báo cáo hai dự án này lên Chính phủ.
Bộ tài liệu dự án bao gồm: thiết kế mặt bằng, chính sách mới, pháp lý, bảng giá, … Tất cả trong một lần tải. Cảm ơn Quý Khách Đã gửi thông tin.THÔNG TIN TÀI LIỆU DỰ ÁN